Social Icons

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

Đổ nợ vì máy gặt đập liên hợp của trung quốc và máy gặt thương hiệu việt

Từng được nhiều nông dân săn đón do giá mềm, máy gặt đập liên hợp (GĐLH) Trung Quốc đang trở thành nỗi ám ảnh của khổ chủ do thường xuyên hỏng hóc, nằm... ruộng.
Nhiều nông dân tại ĐBSCL hiện đang “xẻ thịt” các máy GĐLH Trung Quốc hoặc hoán cải thành xe kéo lúa thay... trâu dù giá trị của máy lên tới hơn 300 triệu đồng.



Nông dân ngao ngán
Vụ thu hoạch 7ha lúa vừa qua, ông Út Thuyên (xã Bình Giang, Hòn Đất, Kiên Giang) không tìm được máy Nhật nên đành bấm bụng kêu một máy gặt đập liên hợp Trung Quốc. Suốt buổi sáng máy hoạt động suôn sẻ, quá nửa diện tích đã gặt xong. Thương lái lúa cũng đã mang ghe tới, neo bên bờ kênh chờ thu hoạch xong sẽ cân luôn. Xế trưa, máy đang chạy ngon lành đột nhiên phát ra tiếng kêu rất lạ. Sau ít phút dừng lại để kiểm tra, chủ máy nhăn mặt thông báo: “Thôi chết, bạc đạn hộp số bị bể rồi”.
 
Máy GĐLH của bà Nguyễn Thị Nhừng (xã Tân Hiệp A, Tân Hiệp, Kiên Giang) được hoán cải thành máy kéo chở lúa.
Đã quá quen với sự cố này, chủ máy liền bấm điện thoại gọi ngay cho người nhà mua phụ tùng và kêu thợ mang vào thay thế. Việc khắc phục sự cố được tiến hành gấp rút, nhưng phải đến chiều hôm sau máy mới hoạt động trở lại. “Nhắc tới mà ngán ngẩm, mấy “ông” GĐLH Trung Quốc rất hay trở tính trở nết. Nhẹ thì gãy lưỡi cắt, hỏng xích, nặng hơn thì bể hộp số hoặc nằm ỳ ra không khởi động được... Mỗi lần như thế công việc phải gián đoạn, có khi mất 2-3 ngày nằm đồng. Không may gặp mưa lại càng khổ hơn” - ông Út Thuyên nói.
Từng là “nạn nhân”, bị máy GĐLH Trung Quốc hành tơi tả, ông Út Ly (ấp Đông Lợi, xã Đông Bình, Thới Lai, TP. Cần Thơ) nói: “Bây giờ không còn ai dám kêu máy GĐLH Trung Quốc nữa, bởi nó vừa phá đồ (hư hỏng) vừa mất lúa, nhất là vụ hè thu trời hay mưa, lúa ướt nên máy tuốt không sạch, tỷ lệ hao hụt cao, có khi mỗi công (1.000m2) mất tới 30-40kg”.
Nhiều nông dân mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều ngao ngán với máy GĐLH Trung Quốc. Vụ đông xuân vừa qua, nhiều chủ máy Trung Quốc giảm giá còn 300.000 đồng/công, thấp hơn gần 50.000 đồng/công so với máy Nhật nhưng ai cũng chê.
 
Máy gặt đập của Trung Quốc chỉ có thể làm xe máy kéo.
Nhiều chủ máy cũng dở khóc dở mếu vì đã lỡ bỏ tiền ra rước mấy cục nợ này về. Ông Ngô Thành Thiện (xã Tân An, Tân Hiệp, Kiên Giang) cho biết mấy năm trước gom góp hơn 200 triệu đồng mua chiếc máy GĐLH Trung Quốc để vừa cắt lúa nhà vừa làm dịch vụ kiếm thêm thu nhập. Nhưng chỉ sau hai năm, chiếc máy đã hư hỏng nặng, ông đành bán lại cho một chủ trang trại với giá 50 triệu đồng để tháo bộ phận thùng suốt, lắp thêm giàn đà làm máy kéo...
Bà Nguyễn Thị Nhừng (xã Tân Hiệp A, Tân Hiệp, Kiên Giang) từng vay nóng gần 70 triệu đồng để mua chiếc máy GĐLH Trung Quốc đã qua sử dụng. Chiếc máy này cắt lúa được đúng hai vụ thì không dùng được nữa, bà Nhừng phải bỏ thêm 7 triệu đồng hoán cải thành xe kéo lúa thay trâu.
Máy gặt nội địa từ bỏ “sân chơi”?
Sau một thời gian rầm rộ phát triển, nhiều máy GĐLH “made in Việt Nam” đã được nông dân biết đến như Tư Sang, Út Máy Cày, Vĩnh Hưng... Sản phẩm làm ra từng có lúc không đủ đáp ứng đơn đặt hàng của nông dân. Thậm chí không ít máy đã đoạt được giải cao trong các hội thi máy GĐLH do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức. Thế nhưng, sau thời gian ngắn khởi sắc, nhiều xưởng cơ khí chuyên sản xuất máy GĐLH ngày nào giờ phải thu hẹp, thậm chí ngưng hẳn để chuyển sang làm các loại cơ khí đơn giản như: giàn khoan hút lúa, băng tải...
Ông Quách Ba - Giám đốc công ty TNHH cơ khí Vĩnh Hưng (TP. Rạch Giá, Kiên Giang) - thừa nhận: “Nói là sản xuất máy GĐLH trong nước, nhưng trình độ công nghệ chỉ dừng lại ở vài món phụ tùng đơn giản, còn mấy thứ phức tạp, đòi hỏi tính tự động hóa và đồng bộ hóa cao thì buộc phải nhập chủ yếu từ Trung Quốc”. Nguyên nhân do thiếu vốn đầu tư cho ngành cơ khí đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài nên gần như các ngân hàng thương mại rất ngại cho vay. Khi đã thiếu vốn thì doanh nghiệp sẽ không thể nâng cấp trang bị, máy móc, đầu tư đổi mới công nghệ hiện đại, xúc tiến mở rộng thị trường...
Theo số liệu của ngành nông nghiệp Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có hơn 1.100 doanh nghiệp cơ khí, nhưng có tới 95% là các cơ sở gia công, sản xuất quy mô nhỏ lẻ tại các hộ gia đình. Hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao, kỹ thuật tự động hóa trong mỗi sản phẩm gần như chưa có, chủ yếu sản xuất bằng kinh nghiệm học hỏi từ các cơ sở khác. “Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 1.138 máy GĐLH, trong đó máy do Trung Quốc sản xuất chiếm 75%, máy Nhật chiếm 23%, máy Việt Nam chỉ chiếm 2%. Phải chăng máy gặt nội địa đã từ bỏ sân chơi?” - ông Trần Quang Củi, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, băn khoăn.
Theo Báo Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét